Chiến thuyền Viking Người_Viking

Bài chi tiết: Tàu Viking

Người Viking sử dụng hai loại thuyền: drakar (có nghĩa là con rồng theo tiếng Na Uy) và knarr. Drakar là chiến thuyền lớn và dài, được dùng cho mục đích chiến tranh và những cuộc thám hiểm xa, có tốc độ nhanh được thiết kế có nhiều mái chèo để hỗ trợ cho việc di chuyển trên biển và giúp tàu có thể tự vận hành mà không cần tới gió. Các chiến thuyền loại này có thân dài và hẹp, có mạn tàu phía trên thấp nhằm hỗ trợ cho việc đổ bộ lên đất liền.

Trong khi đó, loại tàu knarr có thân ngắn hơn có vận tốc thấp hơn nhưng có khả năng chuyên chở nhiều hơn so với drakar. Nó được thiết kế với thân tàu ngắn và rộng, với lòng tàu sâu. Nó không có mái chèo như loại tàu drakar.

Người ta thường coi tàu drakar là "tàu Viking", như tàu mang tính đặc trưng của người Viking. Năm 1997 các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tàu Viking lớn với chiều dài khoảng 36 mét, chứa được khoảng 100 người. Hiện nay tại Nhà bảo tàng tàu Viking (Vikingeskibsmuseet) tại Roskilde, Đan Mạch còn lưu giữ 5 xác tàu Viking - 3 tàu drakar và 2 tàu knarr, được khai quật từ Vịnh Roskilde từ năm 1962. Năm tàu này được đặt tên là Skuldelev 1, 2, 3, 5, 6 (vì tìm thấy tại Vịnh Roskilde, bên ngoài Skuldelev). Riêng tàu Skuldelev 2 có chiều dài là 29,6 mét, được đóng tại Dublin, Ireland. Nghiên cứu về sự phát triển của thớ gỗ, người ta được biết nó được đóng bằng gỗ sồi rừng, chặt năm 1042 dường như tại khu rừng Glendalough phía nam Dublin.

Từ khoảng 2000-2004, người ta đã đóng một tàu mới đúng theo phiên bản của tàu Skuldelev 2 tại Xưởng đóng tàu Viking (bên Viện bảo tàng tàu Viking nói trên). Tàu được hạ thủy ngày 4 tháng 9 năm 2004 và được Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch đặt tên là Havhingsten fra Glendaglough (con ngựa đực của biển từ Glendalough). Mùa hè năm 2006, tàu này đã làm chuyến hải hành tới đảo Læso (Đan Mạch), Lysekil (Thụy Điển) Oslo, Tønsberg, Risør và Lyngør (Na Uy).

Ngày 1 tháng 7 năm 2007, tàu Havhingsten[5] này cùng với thủy thủ đoàn 61 người đã giương buồm đi Dublin (Ireland), làm một chuyến trở về cội nguồn, từ cảng Roskilde (Đan Mạch) lúc 16 giờ. Tàu đã tới Dublin ngày 14 tháng 8 năm 2007, sau 6 tuần lễ lênh đênh trên biển cả, đúng theo dự kiến mặc dù gặp thời tiết không thuận lợi, và đã đạt được tốc độ kỷ lục là 12 knot (khoảng 20 km/giờ). Đài BBC đã làm một phim tài liệu dài 50 phút về chuyến đi lịch sử này với tựa đề Timewatch và nhiều triệu người đã theo dõi. Hiện tàu Havhingsten nằm lại qua mùa đông ở Viện bảo tàng hàng hải quốc gia Ireland. Theo dự kiến, tàu sẽ bắt đầu lên đường trở lại Đan Mạch từ ngày 29.6.2008, với một thủy thủ đoàn gồm những người Đan Mạch và người Ireland.

Ngày chúa nhật lễ Phục sinh 23.3.2008, tại Dublin (Ireland), viên thuyền trưởng của tàu này Carsten Hvid (người Đan Mạch) đã nhân danh thủy thủ đoàn lãnh nhận giải thưởng cao quý nhất của Ireland Cork Dry Gin International Sailing Award cho chuyến đi năm ngoái với lời khen: là một thủy thủ đoàn giỏi, đã chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh và vô số gió mưa suốt 6 tuần lễ hải hành.

Ngoài Viện bảo tàng tàu Viking ở Roskilde nói trên, ở Na Uy cũng có Nhà bảo tàng tàu Viking (Vikingskipshuset) tại Bygdøy (tây thành phố Oslo) có trưng bày xác 4 tàu khác là tàu Tune (được đóng khoảng từ năm 900), tàu Gokstad (đóng từ khoảng cuối thế kỷ 9), tàu Oseberg (đóng từ thế kỷ 9) và tàu Borre.